Con đường yêu thương

Rời phố khi trời ưng ửng sớm
Về rừng lúc đất tỏa hương khuya
Mai núi nghiêng soi bên suối biếc
Bình yên xóm nhỏ tiếng chim gù …

Hoàng Kim

Giống sắn KM419 ở Đắk Lắk

Tắm tiên ở Chư Yang Sin

Video nhạc tuyển

Nơi Tình Yêu Bắt Đầu – Bằng Kiều, Lam Anh

Trở về trang chính
HOÀNG KIM
Dạy và học
CÂY LƯƠNG THỰC
FOODCROPS.VN
FOOD CROPS NEWS

Tắm tiên ở Chư Yang Sin

Ảnh

Tắm tiên ở Chư Yang Sin (K rông Bông- Đắk La81k)Tắm tiên ở Chư Yang Sin - Krông Bông- Đắk LắkTắm tiên ở Chư Yang Sin (Krông Bông- Đắk Lắk)

Chư Yang Sin là đỉnh núi cao nhất 2.442 mét của hệ thống núi cao cực Nam Trung Bộ. Vườn quốc gia Chư Yang Sin là một khu rừng đặc dụng của Việt Nam, được thành lập theo quyết định số 92/2002/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Vườn quốc gia Chư Yang Sin nằm trên địa bàn các xã Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui, Hoà Phong, Hoà Lễ, Hoà Sơn, Khuê Ngọc Điền thuộc huyện Krông Bông và các xã  Yang Tao, Bông Krang, Krông Nô, Đắk Phơi thuộc huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk. Phía Đông: dọc sông Krông Bông đến ngã ba suối Ya Brô đến đường phân thuỷ sông Krông Ana. Phía Tây: từ suối Đắk Cao đến ngã ba suối Đắk Kial và đến đường phân thuỷ giữa Đắk Cao và Đắk Phơi. Phía Nam: dọc sông Krông Nô, ranh giới Đăk Lăk và Lâm Đồng. Phía Bắc bắt đầu từ thác Krông Kmar qua dãy Chư Ju – Chư Jang Bông đến suối Ea Ktuor. Tắm tiên ờ suối thiêng dưới ngọn núi cao Chư Yang Sin thật thú vị !

Đợi Anh

Ảnh

Hoàng Kim

Thương mến tặng anh …

Anh như cơn mưa ngọt đầu mùa
Mang đến niềm vui của ngày gieo hạt
Mai Việt nở bừng khoe sắc
Đằm thắm
Lời thì thầm của dòng sông

Anh và em
Như bức tranh tĩnh vật treo tường
Một đôi bình gốm qúy
Cặp bình giản dị
Sang trọng
Khiêm nhường
Tỏa sáng cho nhau.

Anh mang đến cho em
Giấc ngủ nhiệm màu
Xoá đi ưu tư phiền muộn
Anh vỗ về em
Bằng lời ru ngọt ngào cảm động
Tìm những nét cao quý nhất trong em
Mà trân trọng giãi bày

Anh thân yêu!
Nay anh đã xa rồi
Em vẫn ước mong anh
Đợi anh ngày trở lại …

Đợi Anh bài thơ của sự khát khao chờ đợi.

Tôi viết bài thơ này trên nguyên mẫu có thực đó là anh Nguyễn Vạn An. Anh Vạn An là chủ bút của blog THƠ VÀ VẼ, một trang viết bình thường nhưng cao quý của một người có chiều sâu văn hóa cũng như Andreea Petcu tôi cũng chưa từng gặp bao giờ nhưng khi thưởng thức video nhạc của anh thì  tôi tin chắc anh là người tốt. Anh Vạn An trong xóm Lá vui vẻ, đúng mực, không ồn ào, ít khoa trương, nhưng là người trãi nghiệm, giản dị và tinh tế. Anh đã thân ái chào cư dân blog để đi đâu không rõ. Việc anh vắng lâu đã làm nhiều người sững sờ, trong đó có Lâm Cúc, Huỳnh Mai, Bích Nga, Hoài Vân, Phương Phương SG, Juliete … và tôi là những người thường được anh dành ưu ái cảm nhận. Tội nghiệp cho Juliette, sau khi anh đi, cô cũng bặt tin luôn kể từ dạo đó. Thế mới thấy những người tri kỷ họ quý nhau đến dường nào!

Bất cứ ai đã từng tiếp xúc với trang weblog của anh Vạn An đều nhìn nhận rằng đây là một nhà họa sỹ bậc thầy và là một nhà thơ tài hoa. Tôi đã viết bài thơ “Đợi Anh” cho anh, cho tôi, cho con tôi và cho những người yêu đang khát khao chờ đợi. Tôi cũng viết bài thơ này cho những người thân thương đang ngóng đợi người thân hoặc ngóng trông điều lành và niềm vui. Cái giá của sự chờ đợi thật lớn.

Hạnh Phúc thay cho ai biết mình đang được yêu thương và chờ đợi, thực sự hiểu hết cái giá của sự khắc khoải chờ đợi đó.

Đợi Anh, qua đèo chợt gặp mai đầu suối.
Tôi nhớ bài thơ xuân của Bác Hồ : “Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh/ Đường về vó ngựa dẫm mây xanh/ Qua đèo chợt gặp mai đầu suối/ Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành “. Bài thơ xuân tuyệt tác này rất gần gũi ý nghĩa so với bài thơ cổ thời Tống “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/ Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ cổ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân, đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà. Bài thơ mới tả một người em cưỡi ngựa xuyên rừng sâu vực thẳm trãi bao hiểm nguy để tìm người anh lớn giúp cứu nước cứu dân, nhưng tìm hoài chẳng thấy, đến khi trở về mới thấu hiểu “đối diện mặt trời đỏ, bên suối một nhành mai”. Đợi Anh qua đèo chợt gặp mai đầu suối là một trãi nghiệm lớn Hồ Chí Minh để tìm ra một quyết sách trường tồn cho một dân tộc yêu tự do độc lập.


I miss you, I love you (Romantic saxophone)
Video edited by Andreea Petcu

Đợi Anh như đợi cơn mưa ngọt đầu mùa đi qua miền khát vọng! Đó cũng là những nốt nhạc thân thương của nghệ sỹ bậc thầy Andreea Petcu tạo nên những video nhạc bền vững với thời gian. Và cũng để cho tôi nhớ anh, nhớ những người bạn lớn trong cuộc đời này. Và  để cho em nhớ tôi, chúng mình nhớ nhau, những trân quý tình yêu cuộc sống.

Nguyễn Vạn An phác một chân dung

Trên trang Dạy và học tôi đã thử tập hợp tư liệu về anh Nguyễn Vạn An phác một chân dung  và vẫn ước ao gặp anh thực sự ngoài đời. Nguyễn Vạn An là một họa sĩ tài hoa Việt kiều tại Pháp. Anh viết thơ văn hay, giỏi chơi đàn và có khiếu thưởng thức nghệ thuật tinh tế. Xem tranh anh vẽ, hình điêu khắc anh chế tác và đọc”Vẽ hai cái bình” “Hồn của tượng”, “Viết thư pháp bằng nước lã”, ta chợt sững sờ nhận thấy sự tài hoa đích thực của một họa sĩ nhà thơ và nhà thiền học bậc Thầy. Thơ văn anh giản dị, giàu tính nhân văn, sau trang viết thấp thoáng hình bóng một người tử tế, hiền lành, có chút hài hước kín đáo. Bài “Nhớ Mẹ”, “Lời Mẹ dạy” tôi thường đọc lại nhiều lần. Tôi đã viết bài thơ “Phút bên em” do cảm hứng ám ảnh trong đời nhưng phải nhờ sức khai mở từ những con chữ nhân hậu của anh mới thăng hoa cảm xúc. Tôi cũng viết bài “Đợi anh” nhiều bạn đọc cảm mến là do anh vắng lâu trên blog. Anh Vạn An có ở http://ngvanan.blogtiengviet.net và một ít bài tôi trân trọng chép lại dưới đây.

Hoàng Kim

Những bài tuyển chọn

VẼ HAI CÁI BÌNH

Nguyễn Vạn An

Hai cái bình này nằm trong tủ từ hồi nào, tôi cũng không biết. Tối nay đem ra vẽ, mới để ý nhìn ! Thấy cũng đẹp ! Nhìn hai cái bình, đã thấy ngay là một đôi, nam và nữ : thật hạnh phúc ! Tôi bắt đầu vẽ.

Cái bình nhỏ thân hình mảnh khảnh, lưng con ong. Còn cái bình kia, cao ráo và rắn chắc. Thật xứng đôi. Cố vẽ cho đẹp.Ngắm nghía thấy ánh sáng thật là mát trên hai cái bụng. Hai cái miệng bình quá xinh, trắng, đều đặn, thật dễ thương. Ánh sáng gian phòng từ trái, phía trên, hướng dẫn mình vẽ bóng cặp bình trên bàn cho đúng.

Bóng phải tối hơn ngay dưới chân bình, và nhạt dần khi đi xa. Coi cho kỹ : bóng bình bên phải tối hơn bóng bình bên trái! Nhớ là ánh sáng chui qua phía sau hai cái bình, làm hai đứa nổi lên trên phông, và phông phải vẽ tối hơn một chút cho hai cô cậu được nổi lên hơn.

Da dẻ bình «em», bên trái, thì phải vẽ thật mềm mại (vẽ bút chì rồi xoa cho mềm), còn da dẻ bình «anh», bên phải, làm sao phải tả bằng những nét cứng rắn một chút (gạch mạnh hơn bằng bút chì, rồi xoa nhè nhẹ thôi).

Nhớ vẽ bóng tối vào trong hai miệng bình, như cửa mở vào tim hai cô cậu (làm sao vẽ được tình yêu nhỉ ? ) Lấy cái tẩy để vẽ một chút ánh sáng vào hai cái bụng, phía tối, để tả cái phản xạ từ mặt bàn lên.

Chỉ có thế, ngồi âu yếm vẽ hai cái bình tới đã quá nửa đêm, quên cả đi ngủ. Cuối cùng vẽ xong, thấy cũng vui. Khi mình có một cái nhìn thân thiện, thì vật gì xung quanh, dù bé nhỏ, cũng có cái đẹp của nó !

Hãy để ý và yêu thương những cảnh vật bé nhỏ chung quanh bạn!

HỒN CỦA TƯỢNG

Nguyễn Vạn An

Mới gặp Anh đêm nay,
Xin Anh chỉ phác em vài nét,
Hướng môt dáng ngồi, níu hai cánh tay,
Nắn một áng lưng, gọt một bờ vai.
Em e thẹn quay đi,
biết Anh đang nhìn em tha thiết,
Xin Anh nhè nhẹ thôi !

Anh muốn tìm hiểu em,
hiểu từng chi tiết,

Em chẳng có gì giấu Anh hết,
Vì em biết,
Anh sẽ tìm những cái gì cao quý nhất,
Trong thân em,
Mà trân trọng dãi bầy!

Đêm nay, rồi ngày mai, rồi ngày mốt,
Trong không gian linh thiêng của mỹ thuật,
Thất bại hay thành công,
đời đôi ta đã dính chặt.
Tất cả cuộc đời em,
em đã đặt,
Trong đôi bàn tay Anh,
Ngay từ giây phút này,…..

Lời bình của JULIETTE :

Anh An.
Bài thơ của anh.
Bức tượng của anh.
Hòa quyện vào nhau
trong lời thì thầm của người thiếu nữ.
Lúc nửa đêm.
Cổ đã mỏi.
Chân đã tê.
Nhưng nàng vẫn ngồi im.
Ngồi im thật kiên nhẫn.
Ngồi im thật dịu dàng.
Để mặc cho người nghệ sĩ:
“Hướng môt dáng ngồi, níu hai cánh tay,
Nắn một áng lưng, gọt một bờ vai”.
Nét mặt nàng e thẹn quay đi,
trái tim nàng thì thùng đập mạnh.
Nhưng nàng vẫn ngồi im.
Với một lòng tin.
Tuyệt đối.
“Tất cả cuộc đời em, em đã đặt
Trong đôi bàn tay Anh,
Ngay từ giây phút này…”

Anh An.
Đọc bài thơ của anh,
Juliette cũng ngồi im.
Xúc động.
Xao xuyến.
Người nghệ sĩ ơi,
Juliette xin được chia sẻ
giây phút giao hòa này với anh…

PHÚT BÊN EM

Hoàng Kim

(Bức tượng nổi tiếng của Antonio Canova)

Kanchina! Kanchina!
Anh gọi tên em Kanchina
của Antonio Canova
trong bảo tàng nghệ thuật.

Anh bồi hồi cầm tay em
đến bên tượng Gớt
phút giây này
tình yêu này
em là suối nhạc
để Bethoven dâng đời
kiệt tác “Ánh trăng”.

Kanchina! Kanchina!
Em là tượng thần Tình yêu
rung động hoá thân
dưới bàn tay vàng
của Antonio Canova.
Em là mơ hay là thật?

Anh muốn ôm em vào lòng
hôn lên đôi môi ngọt ngào
và áp đầu lên ngực
để những phút giây thần tiên
được sống bên em
say đắm đến vô cùng!

VIẾT THƯ PHÁP BẰNG NƯỚC LÃ

Nguyễn Vạn An

Tôi đã được đi thăm thú khá nhiều nơi bên Trung Quốc, chụp rất nhiều hình. Vậy mà các bức hình tôi thích nhất lại là vài bức rất bình thường, chup không đẹp. Đó là các hình chụp các nhà thư pháp viết chữ ngoài đường bằng nước lã !

Hôm đó trời không tốt lắm. Vừa xuống xe, đã thấy nhiều nhóm người ngưng lại tại nhiều nơi trên phố : đó là các du khách xem các nhà thư pháp Trung Hoa viết chữ. Đây là những ông già đã về hưu, còn khoẻ mạnh, minh mẫn. Họ ăn mặc đủ ấm, giản dị, gọn gàng, sạch sẽ. Mỗi sáng họ ra một khu phố có nhiều sân trống, để viết thư pháp. Viết trên sân, dùng nước lã thay vì mực tầu !

Mỗi cái bút to như một cái chổi, đầu nhọn, cán dài. Họ cầm bút rất xa ngọn, nên phải kẹp cái cây sát vào người cho vững chắc. Bên hông mỗi người đeo một bình nước. Lâu lâu lại nhúng chổi vào lấy nước rồi viết. Mỗi người dành một khoảng đất, chăm chú viết, không hề để ý tới các du khách đang yên lặng đứng chung quanh chiêm ngưỡng. Không hiểu sao cầm cán xa ngọn bút như thế mà viết được.

Mỗi người viết có một phong cách riêng. Nhưng tôi thấy ai viết cũng đẹp. Nét bút nào cũng vừa cứng cát vừa uyển chuyển, trong sáng, tao nhã, không kém gì các thư pháp tôi đã được xem trong tư gia của các nhà quyền quí đời xưa (nay mở cho du khách tới thăm), hay trong các viện bảo tàng, nhất là viện bảo tàng Mỹ thuật ở Thượng Hải.

Tại sao cách viết thư pháp như thế lại làm tôi cảm động, đứng lại coi mê man như vậy ? Bởi vì chỉ trong khoảng mười lăm phút, nửa giờ sau, các chữ đó sẽ khô đi, và biến mất ! Các nhà thư pháp biết như vậy, mà vẫn chăm chú, say mê, viết làm sao cho thật đẹp. Họ chăm chỉ viết, và tỏ ra hài lòng thanh thản nhìn chữ biến đi ! Cái tuyệt vời là ở chỗ đó !

Tôi tự nghĩ không biết mình có khi nào làm một cái gì, vẫn cố gắng cho tuyệt hảo, mà biết rằng công trình của mình chỉ một lát sau sẽ biến đi, vĩnh viễn không còn nữa. Nghĩ cho cùng thì cuộc đời mỗi chúng ta có là bao nhiêu, công trình của mỗi người, to lớn đến đâu, cũng chỉ là một điểm nhỏ trong vĩnh hằng của thời gian! Tất cả chỉ là vô thường. Nhưng các vị này nhìn nhận được cái vô thường thể hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi của mười lăm phút nửa giờ mà họ vẫn học tập một cách rất hết sức nghiêm chỉnh. Và họ nhìn công trình của mình tan biến đi một cách thảnh thơi !

Quả là một bài học cao quý cho mình !

NHỚ MẸ

Nguyễn Vạn An

Tối nay ngồi vẽ mẹ. Một người mẹ của đồng quê đất Việt. Da mặt mẹ đã xạm đen vì giãi dầu. Đôi mắt mẹ đã chĩu xuống vì suy nghĩ, vì chịu đựng, vì lo lắng cho các con. Đôi môi mẹ đã khô khan nứt nẻ, vì tranh thủ, vì buôn bán, vì cãi cọ, vì van xin, vì cầu nguyện. Cứ mỗi nỗi nhớ là vẽ một nét nhăn trên mặt mẹ. Vẽ một lúc thì mặt mẹ đầy nét nhăn nheo. Vậy mà nỗi nhớ vẫn chưa nguôi. Làm sao con có thể vẽ được hết nỗi nhớ mẹ !

Từ lúc sanh đứa con đầu, mẹ chỉ sống về chúng con. Bây giờ chúng con đã khôn lớn, đã nên người. Mẹ muốn gì chúng con cũng có thể đem về cho mẹ được. Nhưng mà mẹ đã đi rồi !

LỜI MẸ DẠY

Nguyễn Vạn An

Nhân ngày lễ VU LAN, xin kể cho các bạn một mẩu chuyện nhỏ.

Hôm đó chúng tôi hẹn nhau ở một bến taxi để cùng đi một dạ hội lớn ở nhà hát nhạc kịch Bastille tại Ba Lê. Đây là một buổi trình diễn của nhóm bà Pina Bausch, rất nổi tiếng. Người nào cũng áo quần bảnh bao. Các ông thì côm pờ lê đen, cở ra vát, có người còn đeo nơ. Các bà các cô thì áo dài lộng lẫy, trang sức sang trọng, nước hoa thơm lừng. Chúng tôi ha hả cười nói ồn ào, vì lâu rồi mới có dịp gặp nhau đông như vậy.
Đang vui bỗng nhiên tôi im bặt, vì cảm thấy có cái gì khác lạ. Nhìn quanh mới thấy có hai ông bà cụ già người nghèo, áo quần lếch thếch, mặt mũi dơ bẩn, đang nhìn bọn chúng tôi. Các bạn tôi cũng ngừng nói chuyện.
Cặp vợ chồng, nhất là người đàn bà, nhìn chúng tôi hằm hằm. Bà vợ nhìn vòng vòng, rồi bất chợt trừng mắt về phía tôi. Bà khệnh khạng đến gần, cố ý đánh rơi một đồng tiền xuống đất, nhìn tôi rồi quát lên : « Nhặt đồng xu cho tao ! ».
Các bạn tôi đùng đùng nổi giận. Có người nói : « Thôi tụi mình đi đi, trễ giờ rồi ! ».
Tôi thấy lòng dâng lên đầy thông cảm, cúi xuống tìm đồng xu, rồi móc túi lấy một đồng khác, trịnh trọng, lễ phép, đưa hai đồng tiền cho bà ta. Các bạn tôi im lặng nhìn theo, không ai nói gì. Chúng tôi ùn ùn kéo nhau đi.
Dù bà lên tiếng hằn học, tôi không giận, vì đã thấy sự cách biệt lố bịch giữa chúng tôi và vợ chồng hai người kia. Nhưng tôi hiểu tại sao tôi tự động có cử chỉ lễ phép như vậy. Đó là vì tôi nhớ những kỷ niệm hồi còn nhỏ ! Hồi đó, mẹ tôi luôn luôn cất sẵn mấy đồng tiền trong một cái hộp, để cho người nghèo. Nhiều người ăn mày đói rách hay đi qua trước cửa. Họ rên la, chúng tôi sợ lắm. Mỗi lần nghe họ, mẹ tôi lại lấy một chút tiền rồi gọi một đứa đem ra cho.
Mẹ nói «Con phải cầm hai tay, rồi cúi chào và lễ phép đưa cho người ta !» Khi đến lượt, tôi cầm tiền chạy ù ra, làm như mẹ nói, rồi chạy ù vào ôm chân mẹ… Không biết bao nhiêu năm đã lưu lạc xứ người, mà trong tiềm thức, tôi vẫn còn nhớ lời mẹ dặn.

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC
FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
DẠY VÀ HỌC